Sáng nay, ngày 5.1.2021, dự án sân bay Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.
Lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm chủ đầu tư là sự kiện quan trọng đầu tiên trong năm 2021 của ngành giao thông và cũng là dự án quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực hàng không từ trước tới nay.
Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, trước đó, ngày 17/7/2020, sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Hội nghị triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho Dự án Sân bay Long Thành.
Dự hội nghị có đại diện Hiệp hội Khoa học – Hàng không Việt Nam cùng các sở, ngành và nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai: Năm 2018, Đồng Nai ban hành Đề án giải quyết việc làm, đào tạo nghề và tổ chức lại cuộc sống người dân vùng Dự án Sân bay Long Thành, đề án được áp dụng cho tất cả gần 4.870 hộ bị thu hồi đất xây dựng sân bay. Theo đó, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, mỗi người dân trong vùng dự án khi tham gia học trung cấp và cao đẳng sẽ được tỉnh Đồng Nai hỗ trợ học phí một khóa đào tạo, học sơ cấp nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ 3 triệu đồng. Sau khóa học, người dân nếu có nhu cầu vay vốn sẽ được hưởng chính sách vay ưu đãi như hộ nghèo. Những trường hợp muốn đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và các chi phí liên quan.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm của 6.500 người từ 15 tuổi trở lên (những người bị thu hồi đất phục vụ dự án). Kết quả cho thấy, có 700 người muốn đi lao động ở nước ngoài hoặc chuyển đổi công việc, số còn lại đều có nhu cầu đào tạo nghề, vào làm việc tại các hợp tác xã, chuỗi liên kết sản xuất hoặc tiếp tục làm công việc hiện tại. Hầu hết những người trẻ tuổi (đang đi học) có mong muốn sau này được làm việc tại Sân bay Long Thành.
Ông Huỳnh Văn Tịnh cho biết: Căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát nêu trên, tới đây ngành chức năng Đồng Nai sẽ tổ chức các hình thức đào tạo nghề cho người dân, ký kết quy chế phối hợp với các cơ sở giáo dục nhằm đào tạo nghề cho người có nhu cầu; liên hệ với Cục hàng không Việt Nam để nắm bắt nhu cầu lao động khi Sân bay Long Thành khởi công, hoạt động.
Tại hội nghị, đại diện các cơ sở đào tạo cho rằng, nhân lực chất lượng cao ngoài đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, còn phải đảm bảo các yêu cầu về văn hóa ứng xử, phẩm chất đạo đức, tác phong, kỷ luật làm việc. Người bán hàng trong sân bay cũng cần có trình độ hiểu biết, kiến thức văn hóa, bởi hàng ngày họ tiếp xúc với nhiều người, cách làm việc, ứng xử của họ sẽ lan tỏa ấn tượng, hình ảnh về một vùng đất, một quốc gia. Khi tham gia đào tạo, ngoài kiến thức chuyên môn, các trường sẽ tăng cường đào tạo ngoại ngữ, cách ứng xử, giúp học viên sau khi ra trường có thể làm việc tốt trong môi trường sân bay. Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần phối hợp với nhà trường, phổ biến rộng rãi cho người dân trong vùng dự án về thế mạnh đào tạo của các trường, giúp mọi người lựa chọn ngành nghề phù hợp; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu lao động trong lĩnh vực hàng không.
Ông Đỗ Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học – Hàng không Việt Nam cho biết: Dự kiến, giai đoạn 1 của Dự án Sân bay Long Thành sẽ cần khoảng 14.000 lao động, khi giai đoạn 2 đi vào khai thác, sân bay sẽ sử dụng khoảng 37.000 người. Đối với lao động chuyên ngành hàng không, Nhà nước có nhiều quy định chặt chẽ, phải được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, với lao động phổ thông làm việc ở khu vực nhà ga, sân đỗ, vận hành một số trang thiết bị đơn giản thì việc đào tạo dễ dàng hơn. Để có nhân lực chất lượng cao phục vụ sân bay, các cơ sở giáo dục cần tích hợp chương trình hàng không vào quá trình đào tạo các nghề như: Điện công nghiệp, cơ điện tử, cắt gọt kim loại; mở các khóa học ngắn hạn trang bị kiến thức cơ bản về hàng không cho người dân; phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ quan Nhà nước cần ký kết hợp tác về việc tiếp nhận người lao động vào làm việc với chủ đầu tư, đơn vị vận hành sân bay. Về phía người lao động, phải sớm trang bị kiến thức ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.